Vitamin A là một vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển thể chất và góp phần tăng cường hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng. Vitamin A cần thiết cho quá trình nhìn, phát triển, bảo vệ toàn vẹn của biểu mô và sự phân bào, miễn dịch.
Khi bị thiếu vitamin A sẽ khiến trẻ sẽ chậm lớn, còi cọc. Giảm khả nǎng nhìn thấy lúc ánh sáng yếu hay còn gọi là quáng gà.
Vitamin A có ở sữa mẹ, đặc biệt là sữa non; Thực phẩm có nguồn gốc động vật như gan, thịt, cá, trứng, sữa…; Thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, các loại rau quả có màu xanh, vàng và đỏ đậm như rau muống, rau dền, mồng tơi, bồ ngót, cà rốt, bí rợ, xoài, đu đủ, gấc…
Thiếu vitamin A sẽ khiến tổn thương ở giác mạc mắt dẫn đến hậu quả mù lòa. Giảm sức đề kháng với bệnh tật, dễ bị nhiễm trùng nặng, đặc biệt là sởi, tiêu chảy và viêm đường hô hấp… Việc thiếu vitamin A cũng khiến cho các bệnh như sởi, hô hấp, tiêu chảy kéo dài.
Ngoài chế độ ăn cân đối, ăn những thức ăn giàu vitamin A thì trẻ từ 6-35 tháng cần được uống bổ sung vitamin A mỗi năm 2 lần.
Theo Kế hoạch của Trung tâm Y tế, huyện Mỏ Cày Nam sẽ tổ chức triển khai chiến dịch bổ sung Vitamin A liều cao đợt 1 năm 2024 tại các xã, thị trấn từ ngày 11 – 12/6/2024 cho trẻ từ 6 – 35 tháng.
Các bậc phụ huynh có trẻ từ 6-35 tháng liên hệ với các Trạm Y tế để biết cụ thể thời gian và địa điểm đưa trẻ đi uống vitamin A.
Được biết, đợt 1 này toàn huyện có 3.965 trẻ từ 6 – 35 tháng; mục tiêu là tổi thiểu có 98% trẻ trong diện được bổ sung vitamin A liều cao.
Vitamin A đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Bổ sung Vitamin A tương đối an toàn và rất ít tác dụng phụ. Tuy nhiên có một số vấn đề mà các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ cần lưu ý sau khi trẻ được uống vitamin A: Theo dõi tình trạng của trẻ sau khi uống Vitamin A, có một tỷ lệ rất nhỏ có thể có biểu hiện tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn và tiêu chảy,… Nếu chỉ có tác dụng phụ thoáng qua như đau bụng, nhức đầu nhẹ sẽ tự mất đi sau ít giờ mà không cần xử trí. Nếu có các tác dụng phụ biểu hiện nhiều hơn như đau bụng nhiều, nôn mửa liên tục, dị ứng,… thì cần đưa trẻ em đến cơ sở y tế để được kịp thời xử trí.
Khi đưa trẻ đến Trạm Y tế để uống vitamin A, quý phụ huynh sẽ được sàng lọc, tư vấn, hướng dẫn theo dõi, chăm sóc trẻ sau khi uống theo khuyến cáo chuyên môn và sẽ được giải đáp những thắc mắc cụ thể trên từng trẻ.
BSCKI. MINH VIỆT – PHÒNG KHNV
(Tổng hợp)