Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng đã được Tổ chức Đối tác Rửa tay toàn cầu phát động lần đầu tiên vào năm 2008 nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về tầm quan trọng của việc rửa tay bằng xà phòng như một biện pháp hiệu quả để phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ mạng sống của con người. Trong 16 năm qua, Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng đã được Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và hơn 100 quốc gia trên thế giới tham gia hưởng ứng.
Chủ đề Ngày thế giới rửa tay với xà phòng năm 2024 là “Rửa tay với xà phòng – Tại sao lại quan trọng” nhằm mục đích truyền thông tới đông đảo người dân, cộng đồng về tầm quan trọng của rửa tay với xà phòng; đồng thời kêu gọi những nỗ lực phối hợp hơn nữa của các cơ quan quản lý, các tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng nhằm đảm bảo đạt được các mục tiêu về vệ sinh tay và cùng hành động để lan toả rộng rãi thói quen vệ sinh tay thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi.
Rửa tay với xà phòng không chỉ là hành động đơn giản hàng ngày mà còn là lá chắn mạnh mẽ trong phòng, chống các bệnh truyền nhiễm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vệ sinh tay giúp bảo vệ hàng triệu sinh mạng mỗi năm khi được thực hiện đúng cách vào những thời điểm quan trọng và rửa tay với xà phòng có thể giảm thiểu tới 40% nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiêu hóa và đường hô hấp ở trẻ em. Bài học từ đại dịch COVID-19 cho thấy, vệ sinh tay và rửa tay bằng xà phòng có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng cũng như phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở y tế.
QUY TRÌNH RỬA TAY THƯỜNG QUY
Bước 1: Làm ướt tay bằng nước và xà phòng. Chà hai lòng bàn tay vào nhau.
Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.
Bước 3: Chà hai lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các kẽ ngón tay.
Bước 4: Chà mặt ngoài các ngón tay này vào lòng bàn tay kia.
Bước 5: Xoay ngón tay cái của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại (làm sạch ngón tay cái).
Bước 6: Xoay các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Làm sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và lau khô.
Chú ý: Rửa tay bằng nước và xà phòng khi bàn tay có vết bẩn. Thời gian mỗi lần rửa tay tối thiểu 30 giây các bước 2, 3, 4, 5 làm đi làm lại tối thiểu 5 lần.
TẦM QUAN TRỌNG RỬA TAY TRONG CƠ SỞ Y TẾ
Theo WHO, trung bình mỗi năm, hàng triệu bệnh nhân trên thế giới chịu ảnh hưởng bởi nhiễm khuẩn trong quá trình chăm sóc sức khỏe. Trong môi trường bệnh viện, trên mỗi cm² bàn tay có thể chứa tới 4,6 triệu vi khuẩn. Hơn 50% các ca nhiễm khuẩn này có thể dự phòng nếu người chăm sóc rửa tay đúng.
Kiểm soát nhiễm khuẩn là việc áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn ngừa sự lan truyền các tác nhân gây nhiễm khuẩn trong thực hành khám bệnh, chữa bệnh, là nội dung quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh trong bệnh viện. Trong các biện pháp KSNK, vệ sinh tay luôn được xem là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất, ít tốn kém nhất trong phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện đồng thời là biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế trong thực hành chăm sóc và điều trị cho người bệnh vì đôi bàn tay là phương tiện quan trọng làm lan truyền các tác nhân gây nhiễm khuẩn nghiêm trọng và không còn là vấn đề tranh cãi.
5 THỜI ĐIỂM PHẢI VỆ SINH TAY:
1 – Trước khi tiếp xúc với người bệnh
2 – Trước khi làm thủ thuật vô trùng
3 – Sau khi tiếp xúc với máu và dịch tiết cơ thể
4 – Sau khi tiếp xúc với người bệnh
5 – Sau khi chạm vào đồ vật, bề mặt xung quanh người bệnh
Minh Việt – TTYT Mỏ Cày Nam