Phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong mùa mưa bão, lũ lụt

 

         Theo Cục An toàn thực phẩm, bão lụt và các thay đổi bất thường về thời tiết là những điều kiện thuận lợi cho thực phẩm dễ bị ô nhiễm vi sinh vật. Trong đó, nguồn cung cấp thực phẩm tươi, sạch, an toàn bị ách tắc do phương tiện vận chuyển bị hạn chế; lương thực, thực phẩm gặp thời tiết mưa ẩm dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng, sinh độc tố có thể gây ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, nguồn nước có thể bị ô nhiễm nặng dẫn đến ô nhiễm thực phẩm và nước uống dùng để chế biến thức ăn.

        Mùa mưa lũ đến cũng là lúc các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là nguy cơ ngộ độc thực phẩm gia tăng. Nguyên nhân là do nước ngập, vệ sinh môi trường kém, điều kiện vệ sinh trong chế biến thực phẩm không đảm bảo, nguồn nước bị ô nhiễm, thực phẩm dễ bị nhiễm bẩn bởi vi khuẩn, ký sinh trùng.

                                                                   

                             10 nguyên tắc vàng về ATTP                       Sử dụng nước sạch để chế biến thực phẩ

 Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, ngành Y tế khuyến cáo mọi người thực hiện tốt các biện pháp sau:

  1. Để phòng chống ngộ độc thực phẩm và phát sinh các bệnh truyền qua thực phẩm nên lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; không sử dụng gia súc, gia cầm chết do bệnh; không sử dụng các động vật, thực vật độc như nấm lạ, nấm độc, cá nóc, so biển, ốc lạ, cây, quả lạ, các sản phẩm không rõ nguồn gốc làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm;
  2. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố tại các trường học, bệnh viện,… tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng, mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến, kinh doanh.
  3. Đề nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm dịch vụ ăn uống xem lại cơ sở của mình và thực hiện tốt quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm, với các yêu cầu như: Địa điểm, môi trường vị trí nơi sản xuất, chế biến thực phẩm phải cách biệt với nguồn ô nhiễm; Thiết kế, bố trí khu vực sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm phải đúng; Kết cấu nhà xưởng, nhà ăn phải phù hợp với tính chất, quy mô và quy trình công nghệ sản xuất, kinh doanh lưu ý nguồn nước phải đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc sản xuất, chế biến thực phẩm; Nguyên liệu và bao bì thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, khử trùng và bảo dưỡng; Phòng chống côn trùng và động vật gây hại; Điều kiện về con người thực hành vệ sinh cá nhân trang phục bảo hộ lao động đầy đủ theo đúng quy định.
  4. Khuyến cáo người tiêu dùng nên thực hiện 10 nguyên tắc dưới đây:

       Nguyên tắc 1. Chọn thực phẩm an toàn. Chọn thực phẩm tươi. Rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên gọt vỏ trước khi ăn. Thực phẩm đông lạnh để tan đá, rồi làm đông đá lại là kém an toàn.

       Nguyên tắc 2. Nấu chín kỹ thức ăn. Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn là bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70°C.

       Nguyên tắc 3. Ăn ngay sau khi nấu. Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong vì thức ăn càng để lâu thì càng nguy hiểm.

       Nguyên tắc 4. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín. Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.

       Nguyên tắc 5. Nấu lại thức ăn thật kỹ. Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng và nhất thiết phải được đun kỹ lại.

       Nguyên tắc 6. Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn. Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn như dùng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm sống và chín.

       Nguyên tắc 7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Nếu bạn bị nhiễm trùng ở bàn tay, hãy băng kỹ và kín vết thương nhiễm trùng đó trước khi chế biến thức ăn.

       Nguyên tắc 8. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn. Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.

      Nguyên tắc 9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác. Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn… Đó là cách bảo vệ tốt nhất. Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại.

     Nguyên tắc 10. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn. Nước sạch là nước không màu, mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh. Hãy đun sôi trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩm thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ. 

       Vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, hãy chung tay thực hiện tốt các biện pháp an toàn thực phẩm./.

                                                                                                                          Hồng Phương – TTYT Mỏ Cày Nam